SMART VIỆT NAM

Tin tức

Tháng Mười Một 03, 2020

Bộ Công Thương Ký Quyết Định Số 2793/QĐ-BCT Về Kế Hoạch Hành Động Các Giải Pháp Thúc Đẩy Công Nghiệp Hỗ Trợ

Ngày 30/10/2020, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 2793/QĐ-BCT ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/08/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để Nghị quyết số 115/NQ-CP được triển khai hiệu quả, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với trọng tâm chỉ đạo điều hành. Trong đó, từng đơn vị cần tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể như sau.

Đối với Cục Công nghiệp

Cục Công nghiệp có nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng, triển khai, đồng bộ chính sách, cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cần đặc biệt chú trọng chính sách tín dụng, thuế, nhằm thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển.

Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng cần chủ trì và phối hợp với Vụ Pháp chế cũng như các đơn vị chức năng nhằm nghiên cứu, xây dựng, trình đề nghị xây dựng Luật phát triển Công nghiệp chế biến, chế tạo. Những chính sách này sẽ được Chính phủ xem xét, thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022-2023 của Quốc hội.

Đối với Vụ Pháp chế

Vụ Pháp chế tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ rà soát văn phản quy phạm pháp luật, xác định bất cập, vướng mắc, chồng chéo; từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung để nâng cao chất lượng. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản trị công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Đối với Vụ Kế hoạch

Vụ Kế hoạch cần phân bổ đủ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với các Vụ Thị trường nước ngoài

Vụ Thị trường nước ngoài có nhiệm vụ tăng cường tổ chức các hội thảo giao thương. Đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tại Việt Nam và các thị trường ngoài nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại.

Đối với Vụ Thị trường trong nước

Cơ Hội Vàng Cho Ngành Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam Trong Covid

Vụ Thị trường trong nước cần tích cực đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời Vụ phải phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu; sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa một cách hợp lý sao cho phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Đối với Vụ Khoa học và Công nghệ

Vụ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao và hấp thụ công nghệ. Ngoài ra, Vụ cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ.

Đối với Vụ Tổ chức cán bộ

Vụ Tổ chức cán bộ được giao nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đồng thời gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với Cục Xúc tiến Thương mại

Cục Xúc tiến Thương mại cần xây dựng đề án giao thương kết nối thương mại đầu tư giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp, khu công nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi giá trị sản xuất, phân phối, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Hướng dẫn Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có liên quan tham gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Đối với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp

Nhiệm vụ của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp là rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích nhập khẩu chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường chưa có khả năng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó phải thúc đẩy phát triển sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất thiết bị, vật liệu phục vụ lĩnh vực xử lý nước cấp, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng.

Đối với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện việc rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật và điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ, giảm thiểu hoặc loại bỏ các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Cục cần đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, xây dựng và mở rộng phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo,…

Đối với Cục Phòng vệ Thương mại

Cục Phòng vệ Thương mại thực hiện nhiệm vụ tổng hợp số liệu và theo dõi tình hình nhập khẩu sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và đưa ra hướng dẫn khuyến nghị với ngành sản xuất trong nước về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ Thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại do nước ngoài tiến hành, giảm tác động tiêu cực từ các biện pháp này đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với Tổng Cục Quản lý thị trường

Tổng Cục Quản lý thị trường quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tổng Cục phải xác định được đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong giai đoạn hiện nay và phải được toàn bộ lực lượng quản lý thị trường ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Đối với Văn phòng Bộ

Văn phòng Bộ thúc đẩy hoạt động tuyên truyền thông tin về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phối hợp, hỗ trợ các Cục, Vụ và các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền thông tin về các hoạt động liên quan đến công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

Đối với Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp

Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, rà soát, phân bổ kinh phí phù hợp để các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, đề án từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Bộ Công Thương theo đúng quy định hiện hành.

Về tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ bám sát các mục tiêu, yêu cầu được nêu tại Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Kế hoạch hành động này. Các lãnh đạo cũng phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ triển khai thực hiện; bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển, bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương.

Trên đây là nhiệm vụ cụ thể mà từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động thực hiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hi vọng, sau khi kế hoạch hành động được triển khai, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ có những bước tiến mới, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn.

Đừng quên truy cập vào smartvietnam.com.vn để cập nhật thêm những thông tin mới nhất về thị trường ngành công nghiệp Việt Nam và thế giới.

Smart Việt Nam – Đơn vị uy tín trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

  • Telephone: +84 222 3883 129
  • Email: info@smartvietnam.com.vn
  • Nhà máy 1: Lô E7, Cụm Công Nghiệp Đa Nghề Đông Thọ, Xã Đông Thọ, Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
  • Nhà máy 2: Lô 42c, Khu Công Nghiệp Quang Minh, Huyện Mê Linh, Hà Nội, Việt Nam
    PAGE TOP