Tin tức
Công Nghiệp Việt Nam Dần Phục Hồi Sau Covid-19
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, đến nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đang dần hồi phục và có tăng trưởng tích cực, tạo đà cho bước tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm 2020.
Tác động tiêu cực của Covid-19 đối với ngành công nghiệp Việt Nam
Đối với khu vực công nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đã phản ánh rõ nét hơn trong quý II – khi tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trên toàn thế giới. Theo đó, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ còn đạt 2,98%, thấp hơn 5,15% so với quý I cùng năm.
Công nghiệp chế biến, chế tạo – khu vực tạo động lực chính cho tăng trưởng cũng chỉ tăng 4,96% (thấp hơn 6,24% so với cùng kỳ năm 2019). Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh cũng tăng tới 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
4 lĩnh vực công nghiệp suy giảm mạnh nhất bao gồm dệt may, sản xuất đồ gỗ, sản xuất thép và khai thác dầu thô. Nguyên nhân chính là do tình hình xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại và lượng cầu nội địa giảm do mất việc làm và thu nhập.
Công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng trong gian khó!
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 dù giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đã tăng 3,5% so với tháng trước. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng vừa qua.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong tháng 8/2020, sản xuất dệt – một trong những lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch Covid-19 đã tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, sản xuất hàng may mặc tháng 8 tăng 4,9% so với tháng 7, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2019.
Sản xuất thép các loại tháng 8/2020 cũng đạt hơn 2.345.931 tấn, tăng 11,36% so với tháng 7/2020 và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại đạt 2.070.852 tấn, tăng 5,88% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ 2019.
Tình hình xuất khẩu hàng công nghiệp cũng đã có những bước chuyển biến tích cực. Về cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng, khoáng sản ước đạt 92,25 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 63,21 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 36,3%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/08/2020 cũng tăng 1,2% so với thời điểm tháng trước.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để vượt khó thời Covid
Đại diện công ty Smart Việt Nam cho biết: “Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động của công ty đã bắt đầu ổn định và tăng trưởng trở lại. Bên cạnh việc hợp tác với các đơn vị trong nước, nhờ sở hữu dây chuyền sản xuất, máy móc, công nghệ hiện đại, Smart Việt Nam đã có được nhiều đơn đặt hàng lớn trong lĩnh vực gia công kim loại tấm, làm khuôn ép với các đơn vị đến từ những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ,… 2 nhà máy của công ty tại Bắc Ninh và Quang Minh đang liên tục làm việc để đáp ứng nhu cầu đơn hàng”.
Thời gian tới, Smart Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của đối tác đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát chặt chẽ an toàn trong lao động, phản ứng kịp thời trước những biến động của thị thường.
Kết luận
Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Dẫu vậy, tín hiệu của hy vọng cũng đã được thắp lên. Tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu công nghiệp trên cả nước đang dần xoay chuyển theo hướng tích cực.
Smart Việt Nam tin rằng, dù thách thức vẫn đang hiện hữu, nhưng với sự điều hành sáng suốt của Nhà nước và sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững.