SMART VIỆT NAM

Tin tức

Tháng Chín 28, 2020

Cơ Hội “Vàng” Cho Ngành Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam Trong Covid

Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất đầu cuối nước ngoài đang có nhà máy tại Việt Nam ráo riết tìm kiếm doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất.

Covid-19 tạo “cú hích” cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Trong 4 thập kỷ qua, phần lớn hoạt động sản xuất trên toàn thế giới đã được tổ chức tại chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain – GVC). Nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian được vận chuyển trên toàn cầu nhiều lần. Sau đó, quy trình lắp ráp sẽ được thực hiện ở một nơi khác. Sản phẩm cuối cùng được tái xuất cho người tiêu dùng cuối cùng ở cả thị trường phát triển và đang phát triển.

Trung Quốc là trung tâm GCV đối với nhiều lĩnh vực

Trung Quốc là trung tâm GCV đối với nhiều lĩnh vực

Đối với nhiều loại hàng hóa, Trung Quốc là trung tâm của các GCV như vậy. Quốc gia này vừa là nhà sản xuất chính của nhiều nguyên liệu đầu vào, linh kiện giá trị cao, sản phẩm,… đồng thời cũng là khách hàng lớn của hàng hóa và sản phẩm công nghiệp toàn cầu và là thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Khi Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019 tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việt Nam vốn được hưởng lợi cả về vốn, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế và kỹ thuật công nghệ sản xuất liên quan đến GVC đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Nhiều ngành hàng từ dệt may, thương mại, du lịch,… đến sản xuất công nghiệp đều gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp đang bị thiệt hại về nhiều mặt, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. 

Dịch bệnh đã và đang gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động giao lưu thương mại, khi hàng ngàn xe hàng hóa đang xếp hàng đợi thông quan tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc.

TS Lê Đăng Doanh

Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đang làm kinh tế Việt Nam thiệt hại nhiều mặt. Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung quốc nay bị gián đoạn.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận ra mức độ lệ thuộc phức tạp và tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái chuỗi cung ứng hiện đại.

Do đó, từ đầu năm đến nay, có không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sản xuất nước ngoài đã đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam để bù đắp sự thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đây chính là cơ hội để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bứt phá và mở rộng thị trường.

Một doanh nghiệp Mỹ cần 200 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Cuối năm 2019, Tập đoàn Techonic Industries (TTI) đã đầu tư 650 triệu USD xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM. TTI là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng của thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu.

TTI đang tìm kiếm gần 200 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

TTI đang tìm kiếm gần 200 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Theo TTI, đại dịch đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng khiến TTI phải thúc đẩy tìm kiếm các nhà cung ứng tại Việt Nam để giảm chi phí, rủi ro trong sản xuất. Mục tiêu TTI đưa ra là trong 2 năm tới sẽ thu hút khoảng 180 – 200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, đồng thời nâng tỷ lệ cung ứng nội địa lên 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021.

Tuy nhiên tới nay doanh nghiệp này mới chỉ tìm được hơn 50 nhà cung cấp. Gần đây, để đẩy nhanh việc tìm kiếm nhà cung ứng, TTI đã phối hợp cùng Sở Công thương, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức hội thảo các nhà cung cấp song chưa tìm được bao nhiêu.

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nhận xét, Covid-19 khiến một số doanh nghiệp FDI bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu nên đã tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp trong nước – chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ để thay thế. 

Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đang tạo ra thời cơ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay. 

Đây được xem là cơ hội vàng giúp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt phát triển nếu tận dụng được.

    PAGE TOP