SMART VIỆT NAM

Tin tức

Tháng Mười Hai 30, 2020

Tổng Hợp Điểm Nóng Ngành Công Nghiệp Hỗ Trợ Năm 2020

Trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã chịu nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã xây dựng nhiều phương án nhằm hạn chế ảnh hưởng của đại dịch cũng như nỗ lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Dưới đây là 7 sự kiện nổi bật nhất của ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2020.

Áp thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô chưa sản xuất được

Áp thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô chưa sản xuất được

Ngày 25/05/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, các nguyên liệu, vật tư, linh kiện sử dụng để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020.

Ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp hỗ trợ

Ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngày 19/06/2020, Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được chính thức khai trương.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kết nối, giao thương trực tiếp, hệ thống cơ sở dữ liệu đã kịp thời được ra mắt. Hệ thống này có vai trò giúp các doanh nghiệp kết nối, đồng thời nắm bắt cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia.

Ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ngày 06/08/2020, Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ được chính thức ban hành. Với nhiều chính sách mới, Nghị quyết 115 được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho ngành.

Mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có đủ khả năng sản xuất các sản phẩm với tính cạnh tranh cao và đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ Việt cần đáp ứng được 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Vào thời điểm này, chúng ta cần có khoảng 2.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Xem thêm: Nghị quyết 115/NQ-CP – “Cú hích” lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước

Doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước

Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất đầu cuối nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam ráo riết tìm kiếm doanh nghiệp trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện để thay thế.

Đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Ngày 30/10/2020, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 2793/QĐ-BCT ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/08/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Xem thêm: Bộ Công Thương ký Quyết định số 2793/QĐ-BCT về kế hoạch hành động các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Ký Hiệp định RCEP – Cơ hội cho Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng mới

Ký Hiệp định RCEP - Cơ hội cho Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng mới

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 15 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương được ký kết. Khi tham gia vào RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP.

Việt Nam cũng được cho là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất sau khi ký RCEP với tác động tăng từ 0,66% – 0,7% GDP tới năm 3030.

Bộ Công thương lần đầu tiên tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công thương lần đầu tiên tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ

Ngày 09/12/2020 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E, Cung Văn hóa Hữu nghị, số 91 Trần Hưng Đạo, Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2020 đã chính thức được khai mạc khai mạc. Sự kiện được diễn ra trong 3 ngày liên tiếp từ 09/12 đến 11/12/2020.

Đây là triển lãm chuyên ngành đầu tiên do Bộ Công Thương tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 115 của Chính phủ về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Xem thêm: Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam sắp diễn ra

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế, chính trị thế giới một cách nghiêm trọng; ngành công nghiệp hỗ trợ Việt vẫn có những bước tiến tốt đẹp nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ cùng sự nỗ lực của chính doanh nghiệp. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng trưởng 4%.

Smart Việt Nam tin rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh.

    PAGE TOP